“LẶNG NHÌN CUỘC SỐNG” NÉT KHÁC BIỆT TRONG TÒA THÀNH ĐỔ
Tôi biết đến Lặng nhìn cuộc sống của Trần Huy Hoàng qua một cơ duyên. Câu chữ anh không phóng đại, chẳng hoa mỹ, không dài dòng nhưng cái anh để lại là sự ấn tượng sâu sắc khó quên. Anh với Lặng nhìn cuộc sống như nét chấm phá đầy khác biệt trong “tòa thành đổ”
Văn học trẻ khiến người ta nhớ và gần như bị ám ảnh bởi nỗi buồn, bất an, cảm giác vô định. Đẹp đấy mà cũng hoang tàn đấy. Nó tựa như một tòa thành đổ đầy thi vị mà cũng đầy hoang sơ. Lặng nhìn cuộc sống khác biệt hoàn toàn, không nặng dấu ấn cá nhân nhưng lại hướng đến từng cá nhân. Không kiêu kỳ, tô vẽ mà cũng chẳng ủ dột, đau buồn.
Nhìn cuộc sống hay nhìn lại chính mình?
Lặng nhìn cuộc sống, cái tựa đề không quá rền rĩ kêu vang! Tựa đề khiến ta cảm thấy an thấy yên trong hỗn loạn đời thường. Nó khiến tôi nhớ đến một lời khuyên thế này: Mặt nước có yên thì ta mới nhìn được thấy đáy. Tâm con người ta cũng vậy: Cứ ồn ào thì sẽ chẳng thế nhìn rõ được bản thân. Lặng nhìn cuộc sống như nhân tố đặc biệt, một lời khuyên nhẹ nhàng khiến ta yên tĩnh lại để soi chiếu bản thân.
Lặng nhìn cuộc sống? Không! Đây tuyệt nhiên không phải là cái đích cuối cùng. Điều cuối cùng mà tôi cũng như nhiều độc giả có được chính là quá trình nhìn lại mình. Tôi kể về cuộc sống, tôi giúp bạn ngắm nhìn cuộc sống đấy. Nhưng vô thức, hầu như độc giả đều nhẩm lại câu chuyện của bản thân mình. Soi chiếu lại, đánh giá lại, tự hoàn chỉnh mình – Đây mới là ý nghĩa tuyệt vời mà Lặng nhìn cuộc sống mang đến.
Không giáo điều
Bạn sợ giáo điều không? Riêng tôi thì tôi chết khiếp với mấy dòng như vậy. Nhưng dòng chữ rập khuôn như sách giáo khoa, bắt ta phải thế này, phải thế khác. Và thường thì càng ép ta lại càng có xu hướng phản loạn, làm điều ngược lại. Nhưng Lặng nhìn cuộc sống không vậy. Bởi tác giả đã khéo léo lồng ghép các chuyện kể để gợi, để khuyên. Nó giống như cách làm của nhà Phật, của Đạo gia.
Ví dụ như: Nhãn mác sử dụng lại câu chuyện về nồi cơm của Khổng Tử, Sự thật kể câu chuyện về trò chơi truyền tin trong lớp, Bằng lòng với câu chuyện về cậu bé và những chiếc kẹo,… Lặng nhìn cuộc sống không phải kiểu giáo điều, trực tiếp mà là kiểu khéo léo, gợi mở và tự ngẫm.
“Quà cho không bằng cách cho” và Trần Huy Hoàng đã thành công trong “cách cho” này!
Tích cực và sống tốt hơn
Tôi vốn không phải người bon chen nhưng không biết từ lúc nào đó tôi đã đánh mất đi sự bình lặng của lòng mình. Tôi loay hoay trong một mớ câu hỏi, trong bế tắc, trong những nỗi buồn và cả sự không cam tâm. Nhưng Lặng nhìn cuộc sống đã khiến tôi tháo gỡ rất nhiều nút thắt.
Sách được phân chia khá hay, thành nhiều mục nhỏ nhưng đủ để ta quy chiếu đến vấn đề của bản thân. Đọc xong chợt nhận ra nỗi buồn của mình không còn buồn đến vậy. Tôi tìm được động lực, lý do để bản thân tích cực hơn. Và trong hỗn loạn, áp lực, tiêu cực của cuộc sống đời thường. Nếu gặp được những điểm sáng – dù nhỏ vẫn khiến ta cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn rất nhiều. Và điểm sáng đó chính là do Lặng nhìn cuộc sống mang lại!
Tư duy khác – Góc nhìn khác
Một cuốn sách khá “bổ não” đấy nhé! Nếu bạn từng đọc sách và bị trôi tuột đi (dấu hiệu của việc đọc sách thị trường) thì với Lặng nhìn cuộc sống ta sẽ không bị như vậy. Sau mỗi đề mục (dù chỉ 100 – 200 từ) ta đều phải dừng lại, nhìn và ngẫm. Tác giả cho ta thấy được góc nhìn và tư duy khác khi cùng đặt trên một vấn đề.
Ví dụ như ước mơ và thanh xuân (trang 92). Người ta luôn bao biện cho việc buông bỏ ước mơ của mình. Nhưng tác giả vẫn khuyên ta thử kiên trì, vì đến cùng không được điều này cũng được điều khác. Ước mơ không trọn vẹn thì cũng sẽ có được bài học cho riêng mình.
Sau Lặng nhìn cuộc sống, bạn hãy thử dùng nỗi buồn của mình quy chiếu trên những nỗi buồn lớn hơn. Bạn sẽ thấy điều mình phải chịu đựng cũng không quá đáng sợ. Góc nhìn khác sẽ khiến ta đủ dũng khí để đối diện với rất nhiều điều.
Thời gian – Tri thức – Sức khỏe
Đây là 3 vấn đề mình đồng ý nhiều nhất với Lặng nhìn cuộc sống. Tác giả dùng 5 đề mục liên tục nhấn mạnh vào thời gian. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện, rất nhiều suy ngẫm và cũng rất nhiều tiếc nuối. Nhưng nhất định đừng lơ đãng với hiện tại. Chỉ có hiện tại mới tạo dựng nên tất cả. Nó là khởi nguồn và cũng nuôi dưỡng cho rất nhiều thứ.
Như Nguyễn Huy Hoàng với Lặng nhìn cuộc sống, mình đánh giá cao sự quan trọng của tri thức và sức khỏe. Đây là những thứ va vào mới thấy thiếu còn bình thường thì dửng dưng không quan tâm lắm. Và hiện tại chính là thời điểm tốt nhất để nuôi dưỡng hai yếu tố này.
Mình và vài độc giả khác thích điều gì nhất ở Lặng nhìn cuộc sống?
Mình gửi sách cho cô bạn và hỏi ý kiến thì câu trả lời nhận được là: Sách dễ đọc, ngôn từ đơn giản và có tác động tốt. Lặng nhìn cuộc sống được chia đề mục khá khéo léo, ngắn gọn nhưng rõ ràng. Điều này rất tuyệt với những độc giả hay ngán chữ, sợ nhiều chữ, tràn lan.
Lặng nhìn cuộc sống không phải tác phẩm tuyệt vời nhất trong loạt sách văn học trẻ mình đã đọc. Nhưng điều mình trân trọng là sự tỉ mỉ và tử tế của tác giả trước khi đặt bút. Dùng thời gian để nghiền ngẫm, khám phá, trải nghiệm rồi mới chia sẻ.
Không phải đề mục hay quan điểm nào trong Lặng nhìn cuộc sống mình cũng tán đồng. Nhưng sự khác biệt này cũng là điều khá hay ho để rèn luyện tư duy đúng không nào?
Trong một loạt các tác phẩm buồn, lạc lõng, đơn côi thì Lặng nhìn cuộc sống cho ta một điểm tựa nho nhỏ về mặt tinh thần, đơn giản thì kể chuyện này cho bạn nghe nè. Phức tạp hơn thì thử nghĩ theo cách này coi sao.
Lặng nhìn cuộc sống khá thích hợp cho khoảng thời gian tâm phiền, đời loạn, tâm tình không ổn định và đè nén bởi quá nhiều tiêu cực. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang bị dồn nén quá nhiều thì đây là một cái tên đáng được đề cử trong khoảng thời gian này đấy!