Tĩnh tâm giữa cuộc đời đầy biến động
Những lúc mất bình tĩnh, không thể kiểm soát được cảm xúc, suy nghĩ và hành động của bản thân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn không thể kiềm chế được cảm xúc của bản thân, khách quan có, chủ quan có, do tác động bên ngoài có, và do tác động chính bên trong bản thể cũng có.
Sự mất bình tĩnh có thể nảy sinh khi bạn nghe một ai đó đang nói xấu về mình, sau lưng mình; hoặc là khi bạn đang đối diện với những lời chê bai, khiển trách mà bạn cho rằng bạn không xứng đáng phải nhận chúng; sự mất bình tĩnh cũng có thể bắt đầu khi bạn đang loay hoay tìm ra lối thoát cho những áp lực hay thử thách; Đôi khi bạn không làm chủ được mình chỉ đơn giản là do bạn không tìm được sự bình yên trong chính tâm hồn mình trước những sóng gió của cuộc đời vạn biến.
20 cách thức dễ dàng để lấy lại sự bình tĩnh dưới đây, rất có thể là điều bạn đang tìm kiếm trong giai đoạn đầy khó khăn, thử thách này.
1. Hít thở sâu
Hãy hít thở thật sâu khi bạn cảm thấy mất bình tĩnh. Hãy thử hít vào – thở ra khoảng 5-10 lần, nhắm mắt lại và để tìm thấy sự bình tâm cần thiết ngay lúc này.
Việc hít thở sâu sẽ giúp bạn kìm nén được những tức giận, căng thẳng, cáu gắt đang chực trào, giúp bạn có một tinh thần thoải mái hơn, dễ chịu hơn để đối diện với thách thức đang chờ bạn giải quyết.
2. Thả lỏng là một cách tĩnh tâm
Tập thả lỏng cơ thể trong thời khắc cảm thấy căng thẳng và mất kiểm soát nhất, sẽ khiến bạn học được thói quen điều tiết cảm xúc. Bạn có thể mát xa nhẹ nhàng hai bên thái dương, phần đầu và phần cơ thể khiến bạn có cảm giác đau nhức, uể oải, kèm theo một trí tưởng tượng rằng bạn đang ở hồ bơi, một bãi biển, một con đường quê thanh bình hay một nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất bạn đã từng đi qua.
3. Tĩnh tâm bằng cách ngồi thiền
Hãy thử gác lại tất cả những muộn phiền, mệt mỏi, và ngồi thiền trong vòng 15-30 phút. Trạng thái giữa thức và ngủ, sẽ giúp ức chế đồng đều các tế bào thần kinh, cảm giác và mọi vận động sẽ đều tập trung ở phần vỏ não. Điều này sẽ khiến bạn lấy lại bình lặng, yên tĩnh, tìm được cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái trước những áp lực, căng thẳng. Những dồn nén, bí bức sẽ từ từ được bào mòn.
4. Luyện tập sự nhẫn nại để tĩnh tâm
Đức Phật dạy rằng lòng nhẫn nại là nguồn gốc các pháp lành. Đứng trước những lời vu oan, giá họa, đứng trước những lời bêu rếu bịa đặt, hay đứng trước những thách thức, khó khăn trong cuộc sống, hãy học cách nhẫn nại. Nhẫn nại để học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm kiến thức, để sau này đứng trước những thử thách của cuộc đời, bạn không còn cảm thấy bối rối, lúng túng và căng thẳng nữa. Nhẫn nại để tâm niệm rằng, có lẽ do kiếp trước mình tu chưa thực sự tốt, nên kiếp này, thời khắc này phải nhận lấy những lời không hay. Để từ đó sống tốt hơn trong từng khoảnh khắc, để mỗi giây phút trong cuộc đời trôi qua đều có ý nghĩa.
Sự nhẫn nại ví cũng như lửa, để thiêu đốt các sự oán thù sân hận, tật đố kị và oan trái.
Phật nói: ai thương Như Lai phải có lòng nhẫn nại.
5. Hóa giải sân hận
Sự mất bình tĩnh rất có thể xuất phát từ sự tức giận. Tức giận trước những lời chê bai, chỉ trích, sự lừa dối, giả trá, vu oan, giá họa… từ đó dẫn đến những sân hận. Sân hận là bản chất tự nhiên của con người, và mỗi người thường có một cách thức chuyển hóa sân hận khác nhau. Có thể bằng cách kiềm chế, ghìm chúng xuống, cũng có thể là bộc phát, dẫn đến những hành động bạo lực.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật có dạy: “Khi bị kẻ xấu quấy phá, nhục mạ hãy cố nín lặng như người đem lễ vật biếu người khác, họ không nhận, thì lễ vật ấy được trả lại. Cũng như người ngửa mặt nhổ bọt lên trời, bọt chẳng tới trời, trái lại rơi vào mặt mình…”.
Do đó, đứng trước sự căng thẳng xuất phát từ những cảm giác sân hận, thay vì giải quyết bằng cách bộc lộ cơn giận, sử dụng bạo lực, hãy thuần hóa tâm thức để có một cảm giác nền móng kiềm chế và điều tiết khi nào cơn giận nên phát tác, khi nào nên ghìm lại hoặc lúc nào thì nên im lặng đối diện và tha thứ.
6. Nín lặng
Khi sự mất bình tĩnh xuất phát từ sự tức giận, hãy học cách nín lặng. Bởi, người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời ta là chính ta. Do đó, đứng trước những căng thẳng, tức giận, bạn nên nín lặng lắng nghe, xem xét, tự nhìn nhận lại mình, đừng vội vàng nổi giận, tìm mọi cách để trả thù. Từ đó có một cái nhìn quán chiếu từ tâm về chính mình, để dễ dàng tinh chỉnh, sửa đổi những điểm chưa thực sự tốt, để trở thành một người hoàn hảo nhất có thể.
7. Tìm hiểu nguyên nhân của sự việc
Bất kì một sự việc nào xảy ra trong đời, ngay cả việc đó có khiến bạn căng thẳng và mất bình tĩnh hay không, đều không tự sinh ra và không tự mất đi. Chúng phải có nguyên do, và tùy theo cấp độ mà diễn ra một tình huống bất như ý lớn hay nhỏ.
Đức Phật cũng đã dạy rằng đứng trước mỗi sư việc không như mình muốn, chúng ta phải đi sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn nữa, để tìm cho ra nguyên nhân sâu xa nhất đang gây ra các vấn đề này cho chúng ta; và đó là sự lầm lẫn về thực tại.
Khi đã nắm rõ được nguyên nhân, nền tảng phát sinh vấn đề bất như ý đang khiến bạn căng thẳng, mất bình tĩnh, bạn sẽ dễ dàng có một chiến lược, một phương hướng giải quyết hợp lý, hợp tình.
8. Làm việc chăm chỉ
Gặp phải những vấn đề bất ổn, gây cho bạn nhiều phiền muộn, lo lắng, hãy thử làm việc chăm chỉ, say mê, hăng hái hơn, để không còn thời gian để tâm đến cảm giác căng thẳng, không còn khoảng trống cho sự mất bình tĩnh len lỏi.
Luôn tập trung, chú ý làm việc cũng là một cách thức khá quan trọng đề rèn luyện cho bạn sự bình tĩnh trước mọi vấn đề, mọi biến cố.
9. Lạc quan
Dù vui hay buồn thì mỗi giây phút trong cuộc đời vẫn sẽ từ từ trôi qua. Con người hơn động vật ở suy nghĩ, nhưng có những suy nghĩ bi quan sẽ giết chết những giây phút có ý nghĩa trong cuộc đời bạn.
Do đó, đứng trước một vấn đề khó khăn hay thách thức, thay vì nghĩ “mình không làm được, mình sẽ thất bại”, hãy nghĩ “mình sẽ làm được, vấn đề này không khó”. Suy nghĩ lạc quan, tích cực sẽ giúp bạn lấy lại cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều.
10. Hài lòng với chính bản thân mình
Tất cả những người luôn tỏ ra hoàn hảo đều là giả dối. Trong cuộc sống vô thường này, không có thước đo chuẩn mực nào cho sự hoàn hảo, và cũng chẳng hề hấn gì nếu bạn là một người không hoàn hảo cả.
Hãy tập hài lòng với bản thân mình, với những gì mình đang có, những gì mình đang nỗ lực, cố gắng và hài lòng với những thành tựu mình đang làm được. Tất nhiên, bạn nên nhớ ở đây không có nghĩa là sự tự mãn, thỏa mãn, ngưng cố gắng. Chỉ đơn giản là sự hài lòng trong thời khắc hiện tại bạn đang có, để giảm bớt căng thẳng, áp lực.
11. Đến một nơi yên tĩnh
Hãy thử đến một nơi yên tĩnh, có thể trở về nhà, ở bên cạnh ba mẹ, gia đình, người thân, ăn một bữa cơm ấm cúng, để tạo cho trí não cảm giác thoải mái, dễ chịu, gạt bỏ mọi căng thẳng, áp lực, mệt mỏi. Bỏ lại tất cả khó khăn ở ngoài cửa, bước vào một không khí bình yên, và chắc chắn bạn sẽ tìm lại được cảm giác an lạc trong tâm hồn, lấy lại năng lượng, sẵn sàng tiếp tục chiến đấu với những thử thách trước mắt.
Bạn cũng có thể viếng thăm một ngôi chùa. Không gian thanh tịnh nơi đó, những lời Phật dạy vang vọng ở đó, sẽ giúp bạn lấy lại sự bình yên, nhẹ nhõm một cách dễ dàng hơn.
12. Hãy hành động
Thay vì trốn tránh những thách thức còn đang ngổn ngang. Bạn hãy học cách đối diện trực tiếp và bắt tay vào việc từng bước giải quyết những vướng mắc.
Khi đã giải quyết được một trong những vấn đề còn bỏ lửng cũng là lúc bạn đã vượt qua sự căng thẳng và lấy lại được bình tĩnh rồi.
13. Dành sự tập trung cho những điều quan trọng
Khi bạn quá căng thẳng, đồng nghĩa là khi bộ não đang trong trạng thái rối bời, khủng hoảng và mơ hồ. Do đó, lúc này đừng quá tham lam hi vọng giải quyết được tất cả, cùng lúc mọi sự việc còn dang dở, hoặc đang gây khó khăn. Thay vào đó, hãy chọn ra những điều bạn cho là quan trọng cần giải quyết nhất tại thời điểm này,và xử lý vấn đề thật hoàn hảo.
14. Đặt ra câu hỏi cho bản thân
Để xử lý tốt những vướng mắc còn tồn đọng, hãy tự biết cách đặt ra những câu hỏi cho bản thân về từng vấn đề riêng biệt. Phân tích nguyên nhân, lý do, diễn biến và kết quả, để tìm ra sự chưa hợp lý, hoặc mâu thuẫn trong trình tự thực hiện, để có những tinh chỉnh phù hợp hơn. Như vậy, bạn sẽ lấy lại cảm giác tự tin, đúc rút thêm được những kinh nghiệm quý báu.
15. Quán chiếu từ Tâm
Đứng trước mọi vấn đề trong cuộc sống cũng như trong tình huống bạn đang phải đối diện với căng thẳng, áp lực, hãy học cách có một cái nhìn quán chiếu từ tâm, để xác định được bản chất của vấn đề, xác định được sự sai lệch, bất cập hay không hài hòa trong từng công đoạn thực thi công việc.
Từ đó, bạn sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn, thâm tâm được bình lặng hơn, cảm xúc căng thẳng, yêu, ghét được kiểm soát tốt hơn.
Mọi việc trong cuộc đời xảy ra đều có nguyên nhân của nó, thay vì luôn trách móc, dằn vặt hãy có một cái nhìn quán chiếu chân thật nhất, để tìm ra gốc rễ của vấn đề, từ đó bạn tự nhiên sẽ có những cách xử lý tốt nhất.
16. Viết những ghi chú
Hãy viết những vấn đề bạn đang gặp phải lên một tờ giấy ghi chú nhỏ, bên cạnh đó hãy viết những cách thức bạn dự định sẽ giải quyết vấn đề. Dán những mảnh giấy này lên máy tính, hoặc bàn làm việc của bạn. Điều này sẽ không những giúp bạn có cảm giác vừa được “chia sẻ” và lên ý tưởng giải quyết, mà còn giúp bạn dễ nhìn nhận lại vấn đề sau khi đã vượt qua, để sau này mỗi lần gặp khó khăn tương tự, bạn sẽ biết cách kiềm chế những mệt mỏi, nóng giận, căng thẳng và thậm chí là những sai lầm.
17. Làm những điều bạn muốn
Để giải tỏa những áp lực, căng thẳng, không có gì tốt hơn là làm những điều bạn thực sự muốn, thích thú và thấy cần thiết.
Bạn có thể đọc một cuốn sách về đạo Phật, nghe những bài giảng đạo của các Thầy, hoặc cũng có thể là nghỉ ngơi, thư giãn, cho bản thân một khoảng thời gian để cưng chiều chính mình.
18. Viết ra những âu lo và quẳng chúng đi
Khi đứng trước những âu lo, căng thẳng nhưng bạn không muốn chia sẻ cùng ai, hoặc không muốn làm phiền đến ai. Bạn cũng có thể tự mang lại cho mình cảm giác thoải mái, bằng cách viết ra những suy nghĩ tiêu cực, những khó khăn đang chồng chất, những điều làm bạn không hài lòng… vào một tờ giấy, và quẳng chúng đi.
Việc này cho bạn cảm giác bạn vừa quẳng đi được một mối lo rất lớn, tâm tư trở lại bình ổn và tĩnh lặng hơn rất nhiều.
19. Chia sẻ và xin lỗi
Đừng ngần ngại chia sẻ những khó khăn, áp lực bạn đang gặp phải với gia đình, bạn bè – những người bạn tin tưởng và luôn yêu thương bạn.
Đồng thời, cũng hãy chủ động lên tiếng xin lỗi, nếu bạn cảm thấy bạn làm sai, hoặc đã để những áp lực cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc, đồng nghiệp và mọi người xung quanh.
Trút bỏ được những điều này, tâm bạn sẽ trở nên yên bình hơn, dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều.
20. Tránh những căng thẳng không cần thiết
Để giảm bớt căng thẳng và lấy lại sự bình tĩnh, bạn đừng nên chừa bất kỳ chỗ trống nào cho những căng thẳng không cần thiết chiếm ngự tâm trí của mình.
Có thể trong cùng một ngày làm việc, học tập, bạn gặp phải nhiều vấn đề khiến bạn đau đầu suy nghĩ, phân tích, giải quyết. Hãy tập coi những vấn đề nhỏ, không quá quan trọng thành một vấn đề đơn giản, thậm chí xóa bỏ chúng ra khỏi suy nghĩ, chỉ để sự tập trung vào những vấn đề lớn hơn, cần giải quyết gấp hơn.
Đừng tự ôm đồm vào mình những căng thẳng không đáng có. Đồng thời cũng nên điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ của mình trước những vấn đề đang xảy ra. Bản chất của vấn đề không quy định tính tích cực, hay tiêu cực. Mà do góc nhìn của bạn quyết định bản chất của vấn đề. Vì thế, hãy có một cái nhìn thoáng hơn, gạt bỏ những căng thẳng nhỏ, xử lý vấn đề với một cái tâm bình lặng, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh và thư thái hơn.
Giữa cuộc sống xô bồ muôn vàn áp lực, thách thức này, việc bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi là một biểu trưng nổi bật cho sự biến chuyển hiện đại không ngừng của xã hội. Để giảm bớt, xóa bỏ tình trạng này, bạn có thể ngồi thiền, suy nghĩ tích cực hơn, xóa bỏ mọi sân hận, có một cái nhìn quán chiếu từ tâm…
Những bài viết mới nhất:
- Xuất bản sách thì cần những công đoạn gì?
- Dịch vụ viết sách thuê và kinh nghiệm sương máu
- Gửi bản thảo đến nhà xuất bản khó quá! Tôi cần làm gì?
- Trước khi viết sách cần trả lời được những câu hỏi sau
- Mục đích xuất bản sách là gì? Cách xuất bản sách thế nào?