“Lặng Nhìn Cuộc Sống” để tận hưởng ý nghĩa đích thực
Có bao giờ bạn tự hỏi, thời gian mình đã sống trên cuộc đời này rốt cuộc là vì điều gì? Ta sống cho Gia đình? Bạn bè? Tình yêu?… “Hay chỉ là đi theo dòng chảy của cuộc sống, được đến đâu hay đến đó!” Hay có lẽ vì cuộc sống kiếm kế sinh nhai mà ta đã quên bẵng đi mất nhiều thứ?
Đã đến lúc, chúng ta cần lặng nhìn lại chặng đường mà mình đã và đang đi để chiêm nghiệm, để hiểu rõ hơn bản thân mình và những gì mình đã từng trải qua. Từ đó chúng ta đúc kết được những bài học quý giá mà cuộc sống ban tặng và có thêm động lực để tiến về phía trước.
Lặng nhìn cuộc sống giữa thế gian hối hã
Lặng Nhìn Cuộc Sống của nhà văn Trần Huy Hoàng có lẽ thực sự có thể giúp ta có thêm một giây tĩnh lặng để biết rằng trên cuộc đời này ngoài những vỏ bọc, những lớp mặt nạ mà người đời dành cho ta, hay thậm chí là ta tự dựng cho chính mình vẫn còn đâu đó trong sâu thẳm là những phẩm chất tốt, là những điều mà ta nghĩ nó chỉ có trong văn thơ.
Lặng Nhìn Cuộc Sống – đúng như cái tên của nó, những mẫu chuyện ngắn như lắng lại những tâm sự, những điều sâu thẩm chất chứa sâu bên trong mình mà bấy lâu nay ta vì lời ngườita vì những, ta vì đồng tiền, tác động bên ngoài mà quên bẵng đi mất ta thật sự cần nó, để biết được ta cần một cuộc sống bình dị đến nhường nào.
Lời văn của tác giả thấm đẫm sự cảm thông, sự chia sẻ đôi khi là lời khuyên nhủ của một người từng trải. Tôi cảm thấy thực sự lắng lại khi những năm vừa qua tôi đã không biết rằng chính mình cũng đã từng như thế, tác giả giúp tôi cảm nhận được “à, thì ra mình đã quên mất mình cần gì và muốn gì.”.
Trong tác phẩm Lặng Nhìn Cuộc Sống có một vài mẫu chuyện mà tôi thích nhất, bởi lẽ tôi nghĩ rằng mình đã từng chính là người trong cuộc, mình đã từng có một thời như thế. Đó là mẫu chuyện Góc Nhìn và Xét Đoán, Lời Nói.
Tôi nghĩ rằng trên thế giới này có hơn 7 tỷ người, hơn 7 tỷ người đó là hơn 7 tỷ cá thể khác nhau, không ai giống ai, từ ngoại hình, các tính chất vật lý, sinh học cho đến tâm hồn, suy nghĩ và cách nhận định vạn vật đều khác nhau.
Đôi khi ta nhìn nhận một sự vật, một sự việc theo cách của ta, ta cho là đúng. Cũng một sự vật, sự việc ấy nhưng một người khác nhìn nhận và họ cho là sai. Ta hãy khoan vội xem cách nhìn nhận của người ấy là sai, mà thực ra góc nhìn của người ấy khác ta.
Suy xét kỹ hơn về hoàn cảnh của họ ta sẽ hiểu được ngay.
Từ đó tôi rút ra được bài học, đừng bao giờ vội vàng đánh giá người khác là sai, là dở và hãy quan sát thật kỹ, hãy nhìn nhận thật tỉ mỉ tước khi nhận định mọi thứ.
Ở một phương diện khác, khi ta đánh giá người khác sai không phải bởi vì góc nhìn của họ khác ta mà là bởi vì cái tôi của ta quá lớn, nó lớn đến nỗi ta không thể chấp nhận được bất cứ ý kiến, quan điểm nào khác, ngoài ý kiến, quan điểm của chính ta.
Là con người, ai cũng vậy, ai cũng đều có cái tôi thật to. Ta chẳng bao giờ tự thừa nhận khuyết điểm của chính mình, nhưng lại xét, lại trách móc khuyết điểm của người khác.
Hậu quả có thể dẫn đến là gì? Tệ nhất chính là lời nói mà ta thốt ra khi đánh giá khuyết điểm của họ. Mà ta không biết rằng lời nói ấy chính là nguyên nhân làm khuyết điểm của họ tồi tệ hơn.
Bài học rút ra từ lặng nhìn cuộc sống
Điều quan trọng nhất là lời nói để nhìn nhận khuyết điểm của người khác như thế nào để tránh làm họ tổn thương sẽ là tốt hơn cả.
Tôi là một người đã từng có rất nhiều khuyết điểm, tôi đã từng tổn thương vì lời nói của một người nào đó. Với người khác họ cho rằng lời nói ấy chẳng đáng gì, họ cho rằng lời nói thẳng thắng như vậy sẽ làm tôi tốt hơn, vì nó sẽ giúp tôi tự nhục mà cố gắng phấn đấu. Nhưng thực chất nó hoàn toàn có tác dụng ngược lại. Tôi đã từng trầm cảm, từng nghĩ rằng mình chỉ là một hạt cát rất nhỏ giữa sự quan trọng to lớn của thế giới này. Tôi cảm thấy mình kém cỏi, mình chẳng là gì và tệ hơn là từng nghĩ đến cái chết.
Nhưng ở một diễn biến khác, một người khác là lại có những lời nói động viên chân thành, giúp tôi cảm thấy mình biết được rằng mình cần làm gì để vượt qua khuyết điểm đó, mình vượt qua khuyết điểm đó rồi mình sẽ đạt được những gì. Từ đó giúp tôi trở nên tốt hơn, biết trân trọng giá trị của bản thân mình hơn.
Bài học tôi tự đúc kết cho mình đó là không bao giờ suy đoán khuyết điểm của người khác, và không bao giờ suy đoán khuyết điểm của họ bằng những lời nói làm họ tổn thương. Mình biết họ cần gì, họ muốn gì hẵn chia sẽ và định hướng cho họ. Vì tôi tâm niệm rằng lời nói thẳng thắn là tốt, nhưng thẳng đến mức không biết họ bị tổn thương đến nhường nào thì thà đừng nói còn hơn.
Hy vọng qua những đúc kết của tôi từ những mẫu chuyện từ tác phẩm Lặng Nhìn Cuộc Sống của tác giả Trần Huy Hoàng có thể giúp các bạn có thể hiểu hơn về bản thân, về cuộc sống này. Hãy tự tìm đọc và tự chiêm nghiệm, tự lắng nhìn cho bản thân của mình, vì những điều trên đây thực sự là nhỏ nhoi với những gì mà tác giả đã gửi gắm cho chúng ta.